Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

GẶP GỠ XUÂN QUỲ - NHÀ THƠ, NHÀ TỪ THIỆN

Nhà thơ Xuân Quỳ

Xuân Quỳ tên thật là Đoàn Thị Quỳ, sinh ngày 20-8-1937 tại xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay bà là hội viên Hội Nhà Văn Tp. HCM, trưởng ban đại diện Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam phía Nam. y viên BCH Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Tp.HCM, phó ban Quốc Tế, ủy viên BCH Hội Từ thiện Phụ nữ TP.HCM, ủy viên BCH Hội khuyến học, phó ban tán trợ, Trị sự ban biên tập tập san “Tình thương”, “Dân trí”, phó chủ nhiệm CLB Thơ của Trung tâm Văn hóa Q.1.
   Các tập thơ đã xuất bản: “Thương nhớ” (CD thơ), Xuân tha hương (CD ca khúc), Chiều, Thời gian, Ngọn lửa tím (tập thơ), Nhớ em và biển (thơ nhạc), Nhớ, Nhớ hương xưa (ca khúc) và mới đây nhất, bà đã xuất bản rất thành công tập thơ “ Hương nhãn”. Các tập thơ của bà đã được các nhà xuất bản (NXB) nổi tiếng xuất bản như Âm nhạc Bộ VHTT, NXB Trẻ, NXB Văn Nghệ TP.HCM, NXB Âm nhạc Việt Nam, NXB Văn Học…
   Bà có hàng ngàn bài thơ đăng rải rác trên các báo trung ương và địa phương từ năm 1956 đến nay. Bà đã được HTV và VTV làm những chương trình giới thiệu về sự nghiệp thơ ca và cuộc đời làm từ thiện của bà. Gần đây nhất HTV 9 (Đài Truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh), đã làm một chương trình phát sóng về bà với chủ đề “Tấm lòng cô giáo” được nhiều người rất xúc động, cảm mến về tấm lòng nhân hậu.
   PV: Đầu tiên bà có thể tự bạch cho độc giả KTGĐ biết đôi nét về mình?
  ĐXQ:Tôi là con gái thứ hai trong nhà có bốn chị em. Cha tôi là nhà giáo, mẹ là con nhà nho. Thuở còn nhỏ tôi thường được mẹ ru bằng những câu hò, những vần thơ ngân nga bay bổng, có lẽ như vậy nên sớm “bén duyên” với thơ ca… Tuy nhiên ngày đó cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn rất nhiều người đói cái ăn thiếu cái mặc nên tôi chỉ mong sau này được làm nghề thợ dệt, để dệt thật nhiều áo quần cho mọi người
  PV: Ước mơ đó có thành hiện thực?
  ĐXQ: Cười… Ước mơ đó không thành, vì tôi theo đưởi việc học. Khi ra trường, tôi được phân về công tac1tai5 sở Văn Hóa Thông tin Hà Nội, gặp anh Xuân Lan là bộ đội từ miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1976, tôi theo chồng vào Sài Gòn sinh sống.
  PV: Được biết sau khi vào miền Nam thì bà kinh doanh bất động sản và cũng rất thành công?
  ĐXQ: Đó là sau này. Ngày mới vào, tôi công tác ở công đoàn quận Bình Thạnh, được ít năm tôi được chuyển vào làm ở Sở Giáo dục TP.HCM. cuộc sống nơi đô thành có rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tôi phải đối đầu với vòng xoáy của cơn lốc thị trường, do vậy tôi quyết định vay mượn vốn anh em, bà con họ hang để kinh doanh, buôn bán nhà đất. Nhờ “may mắn” công việc của tôi rất thuận lợi.
  PV: Bà bắt đầu làm thơ và làm từ thiện từ khi nào?
  ĐXQ: Từ nhỏ tôi đã rất thích nghe thơ, đọc văn lắm và rất hay thương cảm, xúc động với những số phận éo le bất hạnh, nên mới 15 tuổi, tôi đã tập tành làm thơ và được đăng trên báo. Sau này khi công việc kinh doanh, làm ăn của tôi phải nói là khá thành công, con cái đã “yên bế gia thất”, có thời gian “rảnh rang”, lại có điều kiện tôi bắt đầu cho in những bài thơ làm từ trước được lưu dưới dạng bản thảo, và thực hiện công việc tâm đắc của mình là làm từ thiện khi 50 tuổi.
  PV: Hơn 10 năm làm công tác từ thiện, kỷ niệm nào làm bà cảm động nhất?
  ĐXQ: Trong những năm làm công tác từ thiện, tôi đi rất nhiều nơi như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Vũng Tàu…nước ngoài có Mỹ, Nhật Bản… Nhưng kỷ niệm mà tôi thực sự cảm động và nhớ mãi, đó là chuyến về thăm một số cặp vợ chồng có những đứa con là nạn nhân chất độc màu da cam. Một đôi vợ chồng trẻ, có tới ba người con bị nhiễm chất độc, nằm quằn quại như ko có xương sống, trông thấy tội lắm, trong khi cả gia tài chỉ có một túp lều tranh, một cái chõng tre. Tôi nghĩ đã gần 30 năm chiến tranh qua đi mà “hậu quả” của nó để lại còn dai dẵng và nặng nề quá... Cứ nhìn vào gia cảnh của đôi vợ chồng đó thì không ai có thể cầm được nước mắt. Một lần khác, tôi về Đồng Nai thăm trại trẻ tật nguyền, khi các cháu thấy đoàn đến thì mừng lắm, chạy ùa cả ra rồi chào bằng ông bằng bà, bằng cha bằng mẹ… Những cháu có tâm thức thì hớn hở, đón nhận tình cảm của chúng tôi, còn những cháu bị bại liệt hay bị bệnh Đao cũng cố lê lết ra hớn hở, thậm chí có cháu còn ôm chân của tôi rồi ngẩn mặt lên gọi tôi bằng mẹ… Quá xúc động, tôi đã làm một bài thơ ngay tại đó. Bà bắt đầu ngâm nga:
                                    “Tôi đến thăm khu trẻ tật nguyền
Cháu thì câm điếc, cháu đầu nghiêng
Cháu không đi nổi bò lê lết
Mỗi cháu tật riêng… tôi buồn riêng
Có cháu cha ở chiến trường xưa
Có cháu mẹ vướng “màu cam độc”
Màu da cam ấy nhiễm vào thơ
Để mỗi dòng thơ nhòe con chữ
Câu thơ cứ run lên nghẹn ứ
Nước mắt hay là mưa chiều rơi”.        
     (Trẻ tật nguyền - 1996)                                 
  PV: Hình như thơ của bà rất có duyên với âm nhạc, vì có không ít nhạc sĩ nổi tiếng như Trần Hoàn,Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu,Huy Thục, Huy Du,Thuận Yến… phổ nhạc, đâu là nguyên nhân?
  ĐXQ : Thơ của tôi viết về tình yêu, đất nước con người, những nổi nhớ sâu đậm về quê hương nơi tôi được sinh ra, lớn lên hoặc trước những mảnh đời bất hạnh… Trước đây, tôi làm ở Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, có quen biết nhiền nhạc sĩ, và sau này mỗi tập thơ sau khi in, tôi thường đem tặng các nhạc sĩ, người thân, bạn bè… Điều may mắn trong thơ của tôi đã có sự đồng điệu, đồng cảm với các nhạc sĩ. Vì vậy, cho đến nay tôi đã có hơn 60 ca khúc được trên 35 nhạc sĩ phổ nhạc, được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền Hình Việt Nam, Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM… Nhân đây, một lần nữa, tôi xin cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, nhạc sĩ, ca sĩ đã có sự đồng cảm giúp âm thanh, âm nhạc được hòa quyện vào nhau để thơ của tôi được chuyển thành ca khúc đến với mọi người.
  PV: Phải nói rằng, bà luôn bận bịu với quá nhiều công việc, vậy thời gian dành chăm sóc cho gia đình thì như thế nào?
  ĐXQ: Đối với một người phụ nữ, dù ở cương vị nào thì tổ ấm gia đình vẫn vô cùng quan trọng. mặc dù công việc phải đi nhiều, nhưng chỉ trừ khi đi công tác nhà tôi mới không lo được bửa cơm cho gia đình. Bởi lẽ, bửa cơm gia đình là điều kiện để gia đình họp mặt, qua đó nhắc nhở, giáo dục con cái. Tôi sẵn sang bỏ một buổi đi ăn cùng bạn bè, đồng nghiệp chứ không thể thiếu mặt trong bửa ăn gia đình. Tôi chăm sóc cho mọi thành viên trong nhà như những người vợ, người mẹ trong các gia đình bình thường khác.
  PV: Theo bà, bí quyết nào để bà duy trì được không khí gia đình yên ấm, hạnh phúc?
  ĐXQ: Tôi có một gia đình rất hạnh phúc, cả hai người con hiện nay rất thành đạt. Để duy trì được cuộc sống như vậy, có lẽ do tôi được giáo dục ngay từ khi còn bé. Vã lại các cụ đã có câu: “Gái khôn tôn chồng”, người phụ nữ phải biết quán xuyến mọi công việc trong nhà cho thật khoa học, chỉ tiêu phải cân đối với đồng tiền làm ra.
  PV: Xin được hỏi câu cuối, diều gì khiến bà tâm đắc nhất từ trước cho đến nay mà bà đã làm được?
  ĐXQ: Đó là việc tôi cùng các giáo sư Trịnh Kim Ảnh, Hoàng Xuân Tùng, NSƯT Việt Nga sáng lập và công tác trong Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM những ngày đầu tiên cho đến nay hội này hoạt động rất hiệu quả.
  Cuối cùng chúng tôi xin cảm ơn và chúc bà luôn mạnh khỏe để tiếp tục thực hiện những điều bà mong muốn.
BÁO KIẾN THỨC GIA ĐÌNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét