Gần hai mươi năm kể từ ngày nghỉ hưu, nữ sĩ Xuân Quỳ luôn bận bịu với hai niềm vui: sáng tác thi ca và hoạt động từ thiện!
T ham gia thành lập và điều lành Quỹ Bảo trợ trẻ em tàn tật TPHCM, người phụ nữ đa cảm ấy ruổi rong đến với những số phận bất hạnh. Bà chìa bàn tay ấm áp cho người khác và nhận lại từng câu thơ run rẩy cho riêng mình. Bà không nuôi khát vọng gì với thi ca, mà chỉ mong ước đơn sơ như lời thổ lộ trong tập thơ mới nhất có tên gọi “Muôn nỗi chúng sinh” (ảnh) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành: “Nhân gian vốn giàu lòng bác ái. Thế sự thường sắc sắc không không. Xin ghi lại ít dòng tâm vọng. Dõi bóng đời qua cuộc tử sinh”.
Thơ Xuân Quỳ mộc mạc, coi trọng sự tề chỉnh của thể loại và vần điệu. Đôi khi trong chính vẻ đẹp giản dị lại bật ra những suy tư lấp lánh. Ví dụ, công lao dạy dỗ của người thầy đầu tiên đã được khám phá ở nhiều góc độ, thì Xuân Quỳ nhận diện “Nét chữ khai tâm” bằng hình ảnh con chữ luôn đồng hành hình ảnh người thầy mỗi lần mở sách:“Những con chữ không chịu khuôn phép. Thầy chỉ cho thẳng lối ngay hàng. Đời trôi dạt qua nhiều biên giới. Vẫn bóng thầy hiển hiện từng trang”.
Phần lớn sáng tác của Xuân Quỳ có ý nghĩa như nhật ký một kẻ lúc nào cũng mến thương cõi sống, dẫu thua thiệt dẫu xót xa. Mỗi cảnh vật lướt qua đều có sức quyến rũ để những câu thơ Xuân Quỳ nối nhau theo dòng suy tưởng mạch lạc, khi “Đò qua suối Yến” bùi ngùi: “Bập bềnh sóng nước chèo khoan nhặt. Chở cả phồn hoa lẫn bụi trần. Trời soi lòng suối, trời xanh ngắt. Mây trắng soi gương tự ngẫm mình” hoặc khi “Về thăm cụ Rùa” băn khoăn: “Phải rùa dâng kiếm đó chăng. Nước non tao loạn rùa nằm yên sao. Đáy hồ thăm thẳm trời cao. Tâm tư trắc ẩn biết bao nỗi niềm”.
Với giọng điệu nhẹ nhàng, như thủ thỉ như giãi bày, thơ Xuân Quỳ thường gợi cho độc giả cảm giác bâng khuâng tựa mỗi cơn gió thoảng cơ hồ vẫn lưu lại chút bịn rịn khôn nguôi. Trước “Chợ nổi Cần Thơ” nhộn nhịp, thơ Xuân Quỳ trôi theo lục bát mênh mang: “Mặt trời chếnh choáng như say. Trăng sao cũng xuống vui vầy bán mua”. Ngược lại, trước không gian miền Tây hồn hậu và phương tiện vật chất hiện đại, thơ Xuân Quỳ giải mã “Tin nhắn miệt vườn”bằng cái nhìn tương đối bất ngờ: “Tin nhắn miệt vườn, anh nhớ nhé. Kênh đào chằng chịt, chớ tìm em. Vầng trăng trốn biệt vào cam, bưởi. Như tò mò xem mưa gió đánh ghen”. Chỉ hai chữ “đánh ghen” đã giúp sự chung đụng giữa thiên nhiên, con người và hoa trái trở nên sinh động hơn!
Đi làm từ thiện bằng trái tim nhà thơ, nữ sĩ Xuân Quỳ giữ được ánh mắt hồn nhiên để chia sẻ mọi điều xung quanh. Không nhiều thời gian để chăm chút từ ngữ, thơ Xuân Quỳ dễ thuyết phục người đọc khó tính qua những bài thơ ngắn gói ghém nhân sinh quan. Thiên hạ chiêm ngưỡng rừng cao su ở mặt kinh tế, còn Xuân Quỳ thấu hiểu “Rừng cao su” theo cách một người chan hoà với môi trường tinh khôi: “Cây xếp hàng điểm danh bằng ngôn ngữ trắng. Bằng chất nhựa tình yêu gắn kết với đời. Cây muốn chạy đến trường cùng bạn trẻ. Chợt nhớ mình phải bám đất để xanh tươi”!
Theo nongnghiep.vn
- Thi đàn Việt Nam
Update Required
To play the media you will need to either update your browser to a recent version or update your Flash plugin.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét