Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

NHỮNG NÉT MỚI TRONG THƠ MỘT NỮ SĨ - DIỆU ÂN


  Chân dung Ức Trai - Nguyễn Trãi,
Một nhà chiến lược, một nhà thơ vĩ đại 



Tôi biết nhà thơ Xuân Quỳ đã lâu, có những bài thơ của chị làm lòng tôi xao xuyến. Chị sinh năm 1937 tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay chị sống ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Xuân Quỳ tặng tôi tập thơ Màu thời gian. Trong tập thơ này, Xuân Quỳ tuyển chọn mười bảy bài, hầu hết các bài được phổ nhạc. Những bài thơ về quê hương của Xuân Quỳ man mác, lắng đọng, khiến cho người đọc phải suy ngẫm và liên tưởng nhớ về nơi miền quê của mình:
Có gì lãng đãng trong tôi
Những mùa xuân ấy đã trôi qua rồi
Ngược xuôi xuôi ngược quê người
Nhớ con sông cũ đắp bồi thời gian
                                          (Con sông quê tôi)
Nỗi niềm tâm sự của chị dịu êm, sâu lắng theo thời gian, khi tuồi đời càng cao, nỗi nhớ quê càng da diết. Những âm thanh điệu chèo làng quê Bắc Bộ làm xao động trái tim đa cảm của nhà thơ:
Lặng thầm trong tiếng ru êm
Điệu chèo làng Nguyễn bỗng quên đêm dài.
Chị nhớ Thăng Long, nhớ Hồ Gươm run rẩy trong đêm mưa rét và chị hình dung hình ảnh cầu Thê Húc khá độc đáo mà đầm ấm: “Thê Húc thắp hồng thay cho lửa mùa đông”. Nhưng khi tỉnh ra, biết mình đang ở rất xa mới thấy còn nhiều duyên nợ với Thăng Long, với mùa đông:
Nắng Sài Gòn dẫu bừng tươi rực rỡ
Vẫn không tan chút lạnh giá trong lòng.
Rất nhiều nhà thơ cho ra đời những tuyệt tác về Hồ Tây. Xuân Quỳ cũng không là ngoại lệ trước cảnh thiên nhiên hào phóng ban tặng, chị đã tức cánh sinh tình:
Uy nghi Trấn Vũ niềm thương nhớ
Thả hồn ngơ ngẩn với Cổ Ngư
Thơm ngát hương sen đường vào phố
Ngàn thu sương khói dáng Tây Hồ…
Chị tách mình ra khỏi sự ồn ào nơi đô hội, để lắng đọng tâm hồn tìm lại bóng dáng trâu vàng nơi hồ thiêng. Thơ của chị ngân lên thầm kín trong tiếng chuông chùa vang vọng:
Đất mẹ mấy ngàn năm khắc khoải
Vẫn trở về dáng đứng Thăng Long
Xuân Quỳ như mơ, như say khi đi trên mảnh đất Thăng Long, nhưng khi vào đến cố đô Huế, trái tim chị lại run rẩy trước cảnh đẹp dịu dàng nên thơ đầy huyền thoại. Cảm xúc ùa vào với bao nỗi niềm yêu thương trăn trở:
Rêu phong đã phủ bao lăng tẩm
Quá khứ xa rồi chuyện vua quan
Cảnh vật vẫn trơ cùng năm tháng
Dãi dầu mưa nắng với thời gian
Hoàng thành cung điện nguy nga quá
Vương lại tơ lòng trong lãng quên
Thơ Xuân Quỳ êm dịu và hoài niệm. Nhạc sĩ Huy Thục, người đã phổ nhạc nhiều bài thơ của Xuân Quỳ nhận xét: “Thơ Xuân Quỳ lạ lắm! Nó tự nhiên nhưng đi vào lòng người lúc nào không hay, mới chỉ đọc mà thấy văng vẳng đâu đây tiếng nhạc, mỗi một tác phẩm là một nhạc phẩm, và bài nào người ta cũng có thể phổ nhạc”.
Cũng có thể vì vậy mà thơ chị được rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc.
Khi đọc những bài thơ chị mới sáng tác về đề tài lịch sử, tôi thấy hình như có một Xuân Quỳ hoàn toàn mới mẻ, mạnh mẽ hơn, triết lý hơn và đa cảm hơn. Nổi bật hơn cả là hai bài thơ viết về danh nhân Nguyễn Trãi: bài Đêm viết thất trảm sớ và bài Ngày Nguyễn Trãi được minh oan. Đọc một lần thực sự chưa hiểu được ngay, đọc nhiều lần mới thấy tim mình rớm máu:
Cả ba họ Ức Trai
Không còn ai ra nghe Thánh chỉ
Bỗng đâu mưa gió nổi lên
Cơn giông giật mãi, sấm rền khắp nơi
Mây vần vũ những hình người
Lưỡi gươm đao phủ đầu rơi máu trào
Gặp tôi hỏi vì sao chị chuyển hướng sang sáng tác về đề tài lịch sử, Xuân Quỳ vui vẻ tâm sự: “Nguyễn Trãi là một danh nhân. Biết nỗi oan của ông, minh rất trăn trở nghĩ rằng cần viết một cái gì”. Rồi một câu thơ bất thần xuất hiện:
Oan hồn giông bão đó sao
Giật tờ Thánh chỉ ném vào biệt tăm…
Tôi hiểu chị và trân trọng tâm hồn của chị. Tôi hy vọng còn được đón nhận nhiều tác phẩm mới từ chị.

Nhà báo DIỆU ÂN
*Bài đã giới thiệu trên báo Người cao tuổi, số 146, tháng 4-2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét