Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

NỮ SĨ XUÂN QUỲ, SẮC TÍM THỜI GIAN - LỜI BÌNH PHIM "SẮC TÍM THỜI GIAN"


Nguyễn Hữu Hồng Minh
*LỜI BÌNH CHO PHIM "SẮC TÍM THỜI GIAN" DO TẠP CHÍ VĂN NGHỆ HTV7 THỰC HIỆN 5.2008.

                                                   
* Đã có nhiều nhà báo, nhà phê bình đã nhận xét: Xuân Quỳ là nhà thơ tình yêu sắc tím. Tím của thời gian, độ chin mùi. Tím của ký ức, của những năm tháng sống qua. Là hương lửa của thăng trầm và kỷ niệm. Tím là màu chung thủy, bền chặt son sắt với lẽ sống. Là sự dâng hiến ý nghĩa đời mình cho tình yêu từ thiện, đồng loại. Đúng vậy, những ai từng tiếp xúc một lần với bà cũng khó quên vì ấn tượng sâu đậm của một người phụ nữ vị tha, dung dị. Luôn luôn thao thức, băn khoăn vì cuộc đời của những trẻ em nạn tật nguyền, nạn nhân chất độc màu da cam, những số phận lang thang cơ nhỡ. Bởi bà là một trong bốn người sáng lập viên đầu tiên của “Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM” với  các giáo sư Trịnh Kìm Ảnh, Hoàng Xuân Tùy, NSUT Tuyết Nga;  mà sinh thời, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là Chủ tịch danh dự. Rất nhiều hoạt động của Hội cứu trợ sau gần mười lăm năm thành lập với công tác từ thiện tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bến Tre…và cả ở nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản đã đưa tên tuổi người phụ nữ này lên các diễn đàn thế giới. Từ sự đa chiều của cuộc sống, Xuân Quỳ đã chuyển vào nghệ thuật thơ ca mối tri âm của “cây đàn muôn điệu”. Xuân Quỳ nguyên Trưởng ban đại diện Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phía Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM, Phó ban Quốc tế, Ủy viên ban chấp hành Hội Khuyến học, Phó ba tán trợ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, Phó đại diện báo Khuyến học và Dân trí. Nhưng trên hết bà là nhà thơ và là tác giả của nhiều tập thơ gây được chú ý đã được xuất bản vừa qua như Thời gian, Ngọn lửa tím, Hương Nhãn, Cố hương…và hàng trăm bài thơ khác đã được đăng báo. Thú vị hơn, trong những tác phẩm thơ này có tập đã được tổ chức bán đấu giá hơn 40 triệu đồng để tiếp tục gây quỹ làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình, các em bé nạn nhân chất độc màu da cam sau chiến tranh. Với đặc tính ngôn ngữ thơ dung dị, cảm xúc thực, hình ảnh đẹp, gần 200 bài thơ của Xuân Quỳ đã được các nhạc sĩ nổi tiếng trên cả nước phổ nhạc. Thật là một con số đạt kỷ lục hiếm có.

*Nhà thơ Xuân Quỳ chân thành tâm sự:-“Tôi đến với thơ bằng đam mê của người yêu thơ. Tìm tòi học hỏi để sáng tác. May mắn cho tôi, những âm điệu của thơ đã được nhiều nhạc sĩ đồng cảm, phổ nhạc để dệt thành những ca khúc đáng yêu”. Bài thơ Thu Huế của bà do cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc là một thành công được nhiều khán thính giả biết tới là một ví dụ. Nhạc sĩ bày tỏ: “ Tôi biết chị Xuân Quỳ trước là cán bộ ở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, đến cái tuổi tri thiên mệnh chị lại làm thơ. Trong thơ Huế của chị “ Những ngày mưa tạnh nắng hồng tươi / Thu pha màu tím Huế của tôi” nó rất phù hợp với tôi vì tôi cũng ở Huế. Đi lâu ngày rồi nhớ, tôi muốn về Huế để xem cái “thu pha màu tím” nó như thế nào?”. Không chỉ tím Huế, mà mỗi bà thơ bà viết về mỗi vùng miền, thắng cảnh trên quê hương đều xào xạc, hòa điệu những mảnh màu tím khác nhau. Đó là tình yêu của bà lưu luyến với mỗi miền đất. Đó là Đà Lạt tím trong hoa “Gió thu dìu dịu nắng hồng tươi / Đà Lạt trăm hoa hé nụ cười / Hương thơm ngào ngạt bay theo gió / Nhìn sắc hoa tươi lại nhớ người”. Hay Cần Thơ, sắc tím trong “đuôi mắt” tình người và hạt gạo thơm: “Quê em Cần Thơ hạt gạo thơm / Như từng sợi nhớ mãi vấn vương / Buộc chặt hồn ai vào đuôi mắt / Lưu luyến tình ta chốn miệt vườn”.  Đặc biệt với vùng quê Hải Yến - Tiên Lữ - Hưng Yên nơi bà sinh ra. Đó là quê hương của nhãn lồng Hưng Yên, nơi nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ, người đàn bà đẹp “mắt rồng mày phượng”, văn bút tài hoa với cuộc tình Nguyễn Trãi.  Và huyền thoại “trái nhãn tình tự” đi vào thơ Xuân Quỳ dung dị, mãi mãi là người con xa quê hương bái vọng về: -“Quá nửa đời mái tóc / Mang hương nhãn vương bay / Ta gửi tình thương nhớ nơi đây” hay “Xa quê vẫn nhớ về hương nhãn / Nhớ dòng sông nắng đục mưa trong / Nhớ ven đê nghiêng bóng nhạn hồng / Nhớ cô lái đò xưa bến cũ”.   

*Đặc sắc nữa của thơ Xuân Quỳ rất nhiều nhạc sĩ đã tìm thấy ở thơ bà “sóng từ” của lòng mình. Sự dung dị mà tinh tế, ngôn từ dễ hiểu mà xáo động chịu khó phát hiện vào mỗi ngóc ngách đời sống làm nhiều nhạc sĩ đã chọn thơ bà chắp đôi cánh âm nhạc. Các nhạc sĩ Huy Du, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu, Hồ Bắc, Đoàn Bổng, Qùynh Hợp, Huy Thục, Thuận Yến…đều phổ thơ bà. Gần hai trăm ca khúc phổ thơ Xuân Quỳ có thể đưa vào ứng viên “Nhà thơ có nhiều thơ được phổ nhạc nhất” của Giải Kỷ lục ViệtNam. Đó là “điều lạ” mà trong giới Thơ Nữ chỉ có một mình thơ Xuân Quỳ làm được. Những ca khúc được nhiều người biết như Xuân tha hương, Nhớ em và biển…từng được nhiều chương trình của VTV, HTV dàn dựng đến với bạn xem truyền hình của cả nước. Đặc biệt có bài còn được nhiều nhạc sĩ phổ và một người đều tạo được sắc thái, dấu ấn riêng. Có bài thơ Xuân Quỳ được ngâm đã gợi mở ra nhiều vùng trời cảm xúc nhưng khi “hòa điệu” với âm nhạc thì lại “bừng nở” không gian thẩm mỹ khác. Đó là điều bí ẩn quyến rũ của nghệ thuật. Chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ chuyên nghiệp nhưng tình yêu thơ của Xuân Quỳ và vẫn được bạn bè nể vọng.

*Vào sắc tím của tuổi 70, nhà thơ Xuân Quỳ càng khao khát hơn với thơ và công việc làm từ thiện. Mỗi buổi sáng bà vẫn cùng bạn bè tập thể dục ở công viên Tao Đàn, bắt đầu một ngày mới với rất nhiều dự định mới mẻ cho văn chương. Những chuyến đi cứu trợ làm từ thiện của bà và câu lạc bộ Cứu trợ trẻ em tàn tật đã không quản ngại khó khăn đến với những vùng sâu vùng xa mọi miền đất nước. Bà ước mơ làm sao mỗi trang viết vẫn rung động, “nhất xuất hồi dương” (mỗi lần đụng vào là một lần mới tinh) vì nghệ thuật thi ca vượt qua ngưỡng thời gian, tuổi tác. Và khi được chắp cánh âm nhạc bài thơ đi xa hơn, tìm được chốn trú ngụ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Bà hạnh phúc với những người con có hiếu, thành đạt. Hai anh con trai đều là những nhà nghiên cứu khoa học rất thành công hiện nay ở Mỹ và Nhật Bản. Và những cháu nội ngoan ngoãn, chăm ngoan, học giỏi. Trong những tập thơ, bài thơ được phổ nhạc triết lý sâu thẳm nhất hình như nhà thơ Xuân Quỳ gợi ra chính là tấm lòng vị tha, sống san sẻ vì mọi người, cho đi chính là một cách để nhận lại. Con người nhân ái và con người nghệ sĩ của bà như hòa làm một. Đó là sắc tím trên hương thời gian xanh biếc….   

0 nhận xét:

Đăng nhận xét